Đa số các doanh nghiệp hiện nay đều muốn tích hợp IoT vào các sản phẩm do chính họ sản xuất, để nâng cao chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người dùng. Còn về phần khách hàng thì đương nhiên, họ cũng ưu tiên các sản phẩm có tích hợp IoT, vì nó rất đa năng và cung cấp được nhiều thông tin hữu ích hơn.
Vậy IoT là gì? và IoT làm được những gì? nếu bạn là một người thích công nghệ thì hãy cùng mình tìm hiểu kỹ hơn về IoT trong bài viết này nhé.
IoT là gì?
IoT là viết tắt của cụm từ Internet of Things – dịch ra Tiếng Việt nghĩa là Internet vạn vật hoặc vạn vật kết nối. Mình vẫn thích cái tên Vạn vật kết nối hơn, vì cái tên của nó đã nói lên tất cả rồi !
Ý tưởng về IoT đã được xuất phát từ những năm 1982, khi mà nó được tích hợp vào một máy bán nước Coca-Cola tại Đại học Carnegie Mellon.
Qua quá trình xử lý, máy bán nước này đã trở thành thiết bị IoT đầu tiên được kết nối với Internet, các chức năng của nó gồm báo cáo kiểm kho và báo cáo độ lạnh của những chai nước khi mới được cho vào máy.
IoT là một trong 3 yêu tố cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Và theo định nghĩa của Wikipedia về IoT thì:
“Internet of Things là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, mỗi con người được cung cấp một mã định danh của riêng mình.
Và tất cả đều có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính.
IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet.
Hay nói đơn giản là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó.”
IoT hoạt động ra sao?
IoT hoạt động giống như một máy tính, nó có vi xử lý riêng, được trang bị các cảm biến để ghi lại các thay đổi của môi trường xung quanh, sau đó dữ liệu này sẽ được xử lý để đưa ra kết quả cho người dùng.
Hiện nay, các thiết bị IoT có thể giao tiếp được với nhau nhưng không nhiều, và quy mô chưa thực sự lớn.
Chỉ có những nhà sản xuất thiết bị IoT bắt tay, hợp tác với nhau thì chúng ta mới có các thiết bị giao tiếp được với nhau, còn không thì chỉ các sản phẩm cùng chung nhà sản xuất mới có thể giao tiếp được với nhau.
Các thiết bị IoT giao tiếp với nhau là sao?
Vâng, có nghĩa là thiết bị này có thể lấy được thông tin từ thiết bị khác và ngược lại để bổ sung cho nhau. Và điều đặc biệt là..
.. hoạt động này không cần đến sự can thiệp của con người. Điều này giúp giảm thiểu vấn đề về chi phí và tốc độ, từ đó tối ưu, cũng như tận dụng tốt hơn các data thu thập được để trả kết quả về cho người dùng.
Những tính chất và đặc điểm của IoT
IoT nếu tính rộng ra trên toàn thành phố, toàn quốc gia hay toàn thế giới thì nó thực sự là một mạng lưới kết nối khổng lồ.
Để có thể tận dụng hết các dữ liệu này nhằm phục vụ cho đời sống con người thì chúng ta cần phải đầu tư rất lớn cho mạng lưới các máy chủ để xử lý thông tin, điều này sẽ tốn kém một khoản chi phí khá lớn.
IoT được kết nối với Internet thì sẽ là một lợi thế vô cùng lớn, vì người dùng chúng ta có thể điều khiển hoặc nhận thông tin ở bất cứ đâu.
Nhưng nó cũng là miếng mồi béo bở cho các hacker “tài giỏi”, việc kết nối Internet tràn lan như hiện nay sẽ dẫn đến nguy cơ bị lộ lọt thông tin nhiều hơn, vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của bạn.
Cũng có các hệ thống IoT như nhà thông minh (smart home) chỉ hoạt động trong mạng nội bộ, không được kết nối với Internet nên sẽ đảm bảo được tính bảo mật và quyền riêng tư của bạn hơn.
Tuy nhiên, khi đã sử dụng các thiết bị IoT, bạn không thể chỉ dùng nó trong mạng nội bộ nữa. Vì với một cuộc sống ngày càng hiện đại, chắc hẳn sẽ có lúc bạn cần phải hy sinh một chút quyền riêng tư của cá nhân để một tập thể có được lợi ích.
IoT có thể làm được những gì?
- Hỗ trợ con người trong việc quản lý chất thải, các cảm biến được sử dụng trong các nhà máy xử lý rác thải sẽ cung cấp một nguồn thông tin đáng giá về chất lượng nước thải, về các chỉ số môi trường,… Việc này đem lại kết quả chính xác và tránh được những ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe của những người công nhân so với việc lấy mẫu trực tiếp từ khu xử lý rác.
- Quản lý đô thị, tận dụng các cảm biến của tất cả các xe đang lưu thông trên đường phố, chúng ta có thể lọc ra những con đường đã, đang và chuẩn bị tắc nghẽn, từ đó đề xuất những giải pháp kịp thời để tránh hiện tượng kẹt xe.
- Nhà thông minh, loa thông minh, thiết bị đeo thông minh, tủ lạnh thông minh, máy giặt thông minh, điều hòa thông minh, đèn thông minh, rèm cửa thông minh,…. Tất cả đều trở nên thông minh hơn nhờ vào IoT. Nếu bạn tận dụng tốt dữ liệu từ các thiết bị IoT này, các thiết bị IoT có thể hoạt động một cách tự động mà không cần đến sự điều khiển trực tiếp của con người.
Ví dụ như bạn đang trên đường chuẩn bị về nhà, cửa thông minh lúc này nhận biết được bạn là chủ nhà (nhờ vào thiết bị đeo thông minh trên tay bạn) thì nó sẽ tự mở cửa ra. Cùng lúc đó, điều hòa sẽ tự động được bật, rèm cửa tự mở ra để lấy ánh sáng,… Tất cả sẽ được tự động hóa hoàn toàn.
Trên đây chỉ là một chút ít thông tin về những thứ mà IoT có thể làm được, khả năng của IoT là rất lớn, trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu bạn tò mò thì có thể tìm hiểu thêm trên Google nhé.
IoT sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?
Trong tương lai, để IoT có thể phát triển nhanh và mạnh thì mình nghĩ là các công ty sản xuất cần phải bắt tay, hợp tác với nhau, để cùng tạo ra những tiêu chuẩn chung, một tiêu chuẩn Quốc tế.
Để những thiết bị IoT từ bất cứ nhà sản xuất nào cũng đều có thể giao tiếp được với nhau, như vậy sẽ tận dụng được triệt để lượng data mà các thiết bị thu nhận được.
Hoặc do xảy ra một biến cố nào đó cũng sẽ giúp cho IoT phát triển nhanh hơn. Ví dụ như đại dịch Covid – 19 ở thời điểm hiện tại đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của rất nhiều cơ quan, tổ chức, công ty, trường học,… vì vậy khả năng này cũng có thể xảy ra.
Và rõ ràng rồi, Tiền cũng là một trở ngại để IoT có thể phát triển, vì nhân công ở một vài quốc gia có giá rất rẻ. Vậy nên, việc sử dụng công nhân sẽ được ưu tiên hơn so với việc đầu tư vào các thiết bị IoT đắt tiền, hơn nữa, nhiều doanh nghiệp cũng không có một lượng tiền lớn ngay từ đầu để đầu tư được.
Nên theo mình thấy, cũng cần phải thêm một thời gian dài nữa để các nhà sản xuất thiết bị IoT có thể tối ưu hóa được quy trình sản xuất của họ, từ đó giảm được chi phí sản xuất thì may ra các thiết bị IoT mới dần dần trở nên phổ biến hơn.
Một sản phẩm thực tiễn được phát triển bởi DVES
Dàn thủy canh thông minh, ứng dụng IOT, tự động điều chỉnh dinh dưỡng, độ ẩm cho cây phát triển.
Khách hàng theo dõi mọi trạng thái của cây qua ứng dụng di động, chủ động tưới phun sương cho cây và kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm.
Tham khảo thêm: https://ngoisao.vnexpress.net/vuon-rau-sach-hoa-thom-qua-ngot-tren-cao-cua-nu-giam-doc-sai-gon-3588666.html
Ứng dụng Mobile App Kiểm soát từ xa:
Bồn dinh dưỡng và module điều khiển:
Liên hệ DVES – Đặt hàng nghiên cứu và phát triển